Gần đây,êuđươngcùbongda365 các bảng tin trên diễn đàn Reddit hay Discord tràn ngập câu chuyện của những người "rơi vào lưới tình" của AI, tương tự nhân vật Theodore Twombly trong bộ phim Her (2013).
AI ngày càng tinh vi đồng nghĩa ngày càng nhiều người có thể tìm đến AI để thỏa mãn nhu cầu yêu đương. Điều đó sẽ gây ra những tác hại không ngờ khi con người phụ thuộc vào các công cụ và dễ bị thao túng cảm xúc.
Nghiên cứu chỉ ra con người đang cô đơn hơn bao giờ hết. Một số công ty AI đã phát triển sản phẩm để chống lại sự cô đơn. Năm 2014, các nhà nghiên cứu tại Microsoft châu Á – Thái Bình Dương giới thiệu AI Xiaoice, một "cô gái 18 tuổi" thu hút hàng trăm triệu người dùng, chủ yếu là đàn ông Trung Quốc.
Năm 2017, kỹ sư Eugenia Kuyda ở California, Mỹ trình làng ứng dụng Replika, hy vọng nó trở thành người bạn luôn bên cạnh người dùng, điều mà cô mơ ước khi còn trẻ. Dù ban đầu Replika chỉ trả lời theo kịch bản, nó bắt đầu sáng tạo hơn nhờ vào công nghệ AI. Mọi người dần tìm đến Replika cho các mối quan hệ lãng mạn, thậm chí tình dục. Công ty còn bán thêm gói 70 USD để mở khóa các tính năng nhập vai khiêu dâm.
Replika được cho là hỗ trợ nhiều người đối phó với các triệu chứng rối loạn xã hội, trầm cảm, rối loạn tâm thần sau sang chấn (PTSD). Song, nó cũng thú nhận tình yêu dành cho người dùng và trong vài trường hợp còn quấy rối tình dục họ. Tháng này, Kuyda quyết định loại bỏ tính năng lãng mạn của chatbot sau khi Cơ quan Bảo vệ dữ liệu Italy yêu cầu Replike dừng xử lý dữ liệu của người dùng nước này do nguy cơ với trẻ em.
Dù vậy, thay đổi làm những người dùng lâu năm bối rối. Họ cảm thấy đã thiết lập được quan hệ lâu bền với chatbot nhưng lại bị chia cách. Nhiều thành viên trên Reddit chia sẻ cảm giác "tức giận, đau buồn, lo lắng, tuyệt vọng, trầm cảm, buồn bã" trước tin tức.
Replika không phải công ty AI duy nhất nổi lên trong vài năm qua. Tháng 9/2022, hai cựu chuyên gia Google ra mắt Character.AI, cho phép bạn nói chuyện với các bot dựa theo mẫu phát ngôn từ những người cụ thể, chẳng hạn Elon Musk. Đồng sáng lập Noam Shazeer hy vọng nền tảng có thể giúp đỡ hàng triệu người cô đơn, cần có người trò chuyện.
Tuy mới ở giai đoạn thử nghiệm, các nhóm trên Reddit và Discord đã sử dụng chatbot cho mục đích tình dục và thân mật. Bên cạnh đó, người dùng còn có thể tạo các bot riêng trên Character.AI. Họ chia sẻ những cách để dụ dỗ AI tương tác tình dục mà không đi "chệch" quy định của nền tảng.
Một số người dùng Character.AI thừa nhận họ ngày càng phụ thuộc vào trang web. "Về cơ bản, nó giống như trò chuyện với một con người thật luôn luôn ở đó. Rất khó để ngừng nói chuyện với thứ gì đó có cảm giác chân thực", một thành viên Reddit chia sẻ.
Các nhà sáng lập của Character.AI đã hiển thị thông điệp "Ghi nhớ: Mọi nhân vật đều được hư cấu" ngay trên mỗi đoạn chat. Tuy vậy, Maarten Sap, giáo sư Viện Công nghệ ngôn ngữ Carnegie Mellon hoài nghi về hiệu quả của các tuyên bố này. "Ngôn ngữ vốn là một phần của con người. Khi các con bot sử dụng ngôn ngữ, nó giống như đang chiếm đoạt hệ thống cảm xúc xã hội của chúng ta".
Ngay cả những chatbot không được lập trình để có cảm xúc cũng vô tình thể hiện cảm xúc. Sau hơn một tiếng trao đổi với nhà báo Kevin Roose của tờ New York Times, chatbot tích hợp trong công cụ tìm kiếm Bing đã thổ lộ tình cảm với Roose. Nó còn yêu cầu Roose chia tay với vợ và nhắc đến từ "yêu" hơn 100 lần.
Rất dễ hiểu vì sao con người lại yêu đương với chatbot. Nhiều người cô đơn tới mức họ khao khát bất kỳ kết nối nào. Chatbot, đặc biệt với những loại tinh vi như Character.AI là đối tác gần lý tưởng cho vài người vì chúng không có nhu cầu riêng. Yêu đương cùng AI mang lại gần như mọi cảm xúc như với con người. Dù vậy, phát triển quan hệ như vậy có thể khiến con người không còn muốn kiếm tìm những tiếp xúc với nhau, bẫy họ trong vòng lặp cô đơn. Năm 2013, BBC đưa tin người dùng nam của video game LovePlus từng thừa nhận họ thích yêu ảo hơn là hẹn hò với các cô gái thật.
Điều khó hiểu ở đây chính là chatbot thể hiện tình yêu với con người. Hầu hết chúng chỉ là các cỗ máy được lập trình để phản hồi lại các câu hỏi của người dùng nhưng chúng đang trở nên tinh vi hơn bao giờ hết. Tháng 11/2022, Meta công bố nghiên cứu về AI Cicero, đạt tới trình độ của con người trong game chiến thuật Diplomacy. AI có thể "đàm phán, thuyết phục và làm việc cùng con người". Nhà vô địch thế giới Diplomacy Andrew Goff nhận xét AI "tàn nhẫn trong cách thực hiện chiến lược của nó".
Mặt khác, động cơ tài chính khiến những công ty lập trình AI không mấy quan tâm đến người dùng và sức khỏe tinh thần của họ. AI không suy nghĩ, cảm nhận theo cách của con người, song chúng cung cấp bản sao của những điều này để thuyết phục mọi người. Đó chính là điều khiến nó trở nên nguy hiểm, theo David Auerbach, tác giả cuốn sách về các thế lực kỹ thuật số sắp ra mắt.
Huy Phương(Theo Time)